Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành Thông tin và Truyền thông với ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, sáng 26/3.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành TTTT với ngành GDĐT trong phòng chống dịch bệnh Covid-19
Chuyển đổi số ngành Giáo dục sẽ tạo tiền đề cho nhiều lĩnh vực khác
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong những năm gần đây, ngành Giáo dục rất quan tâm và tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động của ngành. Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đóng một vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với ngành mà còn tác động rất lớn đối với đất nước, cả trước mắt và lâu dài.
Theo Bộ trưởng, nếu được đào tạo về kỹ năng chuyển đổi số và thực hành tốt về công nghệ sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển của chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ GDĐT rất ý thức về cơ hội này.
Để thực hiện được nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Giáo dục, Bộ trưởng đề cập đến 4 nhóm việc cần tập trung chỉ đạo. Trước hết là phải thống nhất nhận thức của đội ngũ giáo viên, học sinh và những người có liên quan để cùng quyết tâm thực hiện.
Thứ 2 là có được nền tảng CNTT đồng bộ, từ máy chủ, đường truyền, băng thông, cũng như các ứng dụng để vận hành hệ thống, bài giảng, công nghệ quản lý, kế hoạch, chương trình, nội dung…
Thứ 3 là cơ chế chính sách. Bên cạnh cơ chế chính sách chung của quốc gia, ngành Giáo dục đã có nhiều văn bản, chính sách liên quan đến nội dung này. Đầu tiên là chính sách đối với giáo viên. Trong chuẩn giáo viên vừa được ban hành, có một tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó là các quy định, thông tư đã được ban hành với bậc đại học về dạy và học từ xa.
Riêng đối với bậc phổ thông, đặc biệt cấp học thấp, phương thức truyền thống là tương tác để phát triển phẩm chất, năng lực là rất quan trọng. Dạy học qua internet, trên truyền hình là một trong những phương thức hiệu quả, bổ trợ, để cùng phương pháp trực tiếp tạo nên môi trường sinh thái cho việc dạy học, tạo ra một nền tảng để học tập suốt đời cho những công dân trong tương lai.
Ngoài ra, cũng phải có chính sách để huy động lực lượng xã hội. Đối với dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình, một mặt nhà nước đầu tư, mặt khác phải huy động từ nguồn lực xã hội. Nếu thiếu chính sách tạo động lực này, chủ trương chuyển đổi số trong ngành Giáo dục không thể thành công.
Nhóm giải pháp thứ 4 là những người trong ngành phải am hiểu về kỹ năng sử dụng công nghệ mới trong dạy và học, đặc biệt là các công nghệ liên quan đến việc kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ GDĐT sẽ đưa ra những hướng dẫn cho giáo viên một cách bài bản để việc áp dụng công nghệ đạt hiệu quả.
“4 nhóm yếu tố này mà tốt thì chủ trương số hóa và ứng dụng CNTT trong ngành Giáo dục sẽ tốt. Từ đó tạo nên thành công trong việc chuyển đổi số ngành Giáo dục. Đây là tiền đề quan trọng để chuyển đổi số thành công trong nhiều lĩnh vực khác” - Bộ trưởng khẳng định.
Biến "nguy" thành "cơ"
Trước những thách thức do dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, giống như nhiều ngành khác, Giáo dục cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Khắc phục khó khăn này, giai đoạn đầu, ngành Giáo dục đã có giải pháp lùi thời gian kết thúc năm học.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Giáo dục không chỉ lùi thời gian mà còn đang tập trung rà soát để tinh giản nội dung chương trình học kỳ 2 của các cấp học, nhất là lớp 9 và lớp 12 với phương châm tinh giản nội dung nhưng không “buông lỏng” chất lượng. Từ đó tổ chức xây dựng các bài giảng điện tử hoặc các bài giảng để ứng dụng trên các hạ tầng công nghệ.
“Các bài giảng này phải được thẩm định thống nhất. Bên cạnh đó, trên cơ sở nội dung đã tinh giản, Bộ GDĐT sẽ xây dưng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020” - Bộ trưởng nói.
Chia sẻ về những nỗ lực của ngành Giáo dục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là việc thực hiện dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong thời gian dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời cho rằng, nếu chỉ riêng ngành Giáo dục thì dù cố gắng đến mấy cũng sẽ khó thực hiện bởi hạn chế về điều kiện tài chính, hạ tầng… Do vậy, sự đồng hành, hỗ trợ của ngành Thông tin và Truyền thông là vô cùng quan trọng, thiết thực, đặc biệt ở thời điểm hiện tại.
“Bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương, các cơ sở giáo dục còn phải kể tới vai trò của các tập đoàn, công ty công nghệ trong việc bước đầu tạo ra một nền tảng cơ bản cho chuyển đổi số ngành Giáo dục. Bộ GDĐT sẽ kiên trì với chủ trương tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học, không chỉ trong mùa dịch này mà còn phát triển trong thời gian tiếp đó. Từ đó biến "nguy" thành "cơ" và có được những kết quả tốt” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để chuẩn bị dài hơi hơn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GDĐT sẽ đưa môn CNTT vào chương trình học bắt buộc từ lớp 3, cùng với môn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để từ đó tạo nên một thế hệ “công dân toàn cầu” có kiến thức kỹ năng về CNTT, chuyển đổi số và trình độ tiếng Anh để hội nhập tốt với thế giới.
Bộ GDĐT cũng sẽ tiếp tục cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nói chung, đặc biệt liên quan đến ứng dụng công nghệ trong dạy học qua internet, trên truyền hình; để chủ trương, các hoạt động hỗ trợ hợp tác giữa hai Bộ thực sự thiết thực, hiệu quả, tạo đột phá trong chất lượng giáo dục.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục